Nếu không vệ sinh khoang máy ô tô định kỳ đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì rất dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ, động cơ bám bụi xuống cấp. Khoang xe cũng sẽ có mùi hôi khó chịu. Chính vì thế, chủ xe cần lưu ý luôn giữ cho khoang máy được sạch sẽ, vệ sinh.
Lợi ích của việc vệ sinh cho khoang máy ô tô định kỳ
Khoang máy là nơi thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, nắng gió, nhiệt độ thất thường…Chính vì thế, việc vệ sinh khoang máy xe ô tô luôn là điều hết sức cần thiết và mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời như:
- Làm sạch linh kiện, các thiết bị có trong khoang máy, hạn chế tình trạng bám cặn bẩn, gỉ sét. Điều này góp phần giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường độ bền cho động cơ xe. Nâng cao tuổi thọ của đường dây điện, các đường ống dẫn làm bằng chất liệu nhôm, nhựa.
- Làm sạch khoang máy, tẩy rửa sạch lớp bụi bẩn, cặn dầu thừa bám vào động cơ trong quá trình xe vận hành. Góp phần tăng cao hiệu quả làm mát động cơ xe ô tô.
- Khoang máy sạch sẽ giúp người dùng dễ dàng phát hiện những chỗ bị rạn nứt, khu vực bị rò rỉ dầu và nước làm mát.
- Việc vệ sinh khoang máy còn giúp độ mới của xe, khi có nhu cầu bán lại xe cũng sẽ được giá hơn.
- Khoang động cơ xe ô tô khi được làm sạch định kỳ cũng là cách ngăn ngừa côn trùng, chuột bọ… đến trú ngụ và gặm nhấm dây điện, đường ống trong khoang máy.
Thời gian bao lâu nên vệ sinh khoang máy một lần?
Thời gian vệ sinh khoang máy ô tô định kỳ được quy định như sau:
- Với những chiếc xe ô tô sử dụng để di chuyển ở những khu vực sạch sẽ, ít bụi bẩn, không khí thoáng đãng thì chỉ cần vệ sinh khoang máy định kỳ 2 lần/ năm
- Xe chạy ở nơi đất đai khô cằn, đường đi có bụi nhiều thì thời gian bảo dưỡng, chăm sóc vệ sinh khoang máy trung bình sẽ khoảng là 3 lần/năm
- Xe sử dụng ở những nơi độ ẩm cao, khí hậu mưa nhiều, đường đất, bùn sình nhiều thì nên vệ sinh định kỳ khoang máy là 4 lần/năm kèm theo việc bảo dưỡng, lau sạch mặt động cơ
Dấu hiệu nên vệ sinh khoang máy
Ngoài ra, khi xe ô tô xuất hiện những dấu hiệu sau thì bạn cũng sẽ phải bảo dưỡng, vệ sinh khoang máy:
- Xuất hiện những vết dầu bôi trơn tích tụ trên bề mặt động cơ, thì có thể là do van PCV đã bị tắc nghẽn, khiến cho áp suất của các te tăng và từ đó gây rò rỉ dầu thừa bám vào động cơ xe. Chính vì thế, chủ xe cần phải chú ý đến việc kiểm tra van PCV , nếu đường ống bị tắc nghẽn thì cần phải chú ý thay van và đồng thời vệ sinh khoang máy sạch sẽ.
- Xe báo nóng dù cho két nước làm mát không bị bẩn, dung dịch nước làm mát còn nhiều thì nguyên nhân có thể do lớp bụi hoặc bùn đất bám vào động cơ quá nhiều. Điều này khiến động cơ xe ô tô sẽ không thể thoát được nhiệt nhanh.
- Kiểm tra kỹ tình trạng nắp quy lát, các mối nối, các nắp van, đường dẫn. Nếu những bộ phận này bị quá bẩn hoặc bị hở thì sẽ dẫn đến tình trạng rò rỉ dầu và bám lên động cơ.
Cách vệ sinh sạch sẽ cho khoang máy ô tô
Các bước vệ sinh khoang máy ô tô cơ bản như sau:
Bước 1: Lên kế hoạch thời gian
Vệ sinh khoang máy sẽ mất trung bình là khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ. Chủ xe nên sắp xếp thời gian để vệ sinh xe và lưu ý nên chọn ngày có nắng để lau rửa, đảm bảo xe khô thoáng nhanh.
Bước 2: Làm nguội khoang máy
Khoang máy ô tô được đậy kín bởi nắp capo vì thế rất dễ tích tụ nhiệt lượng lớn và bị hấp thụ mùi xăng dầu. Chủ xe lưu ý hãy làm nguội khoang máy xe ô tô bằng cách mở nắp capo xe hoặc cũng có thể dùng quạt gió trước khi tiến hành quy trình vệ sinh 30 phút để có thể đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong quá trình chăm sóc vệ sinh khoang máy.
Đồng thời, điều này cũng sẽ hạn chế tối đa hiện tượng giãn nở của những bộ phận trong khoang xe ô tô khi tiếp xúc trực tiếp với nước mát. Ngoài ra, chủ xe cũng cần phải chuẩn bị giải pháp để bảo vệ bình ắc quy, hộp đen, cổ hút gió bởi những các chi tiết này nếu gặp nước rất dễ bị hỏng.
Bước 3: Tiến hành vệ sinh khô cho khoang máy
Tiến hành vệ sinh khô khoang máy bằng cách sử dụng chổi cọ mềm để có thể loại bỏ rác và mạt bụi bám chặt ở trong những khe kẽ. Với những vết rò rỉ dầu, hoen ố thì có thể sử dụng một chiếc khăn mềm có thấm những dung dịch chăm sóc, vệ sinh chuyên dụng để có thể lau sạch những chất bụi bẩn trên khoang động cơ xe ô tô.
Bước 4: Vệ sinh ướt
Sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng pha với nước sạch theo tỉ lệ hướng dẫn. Rửa sạch khoang máy ô tô từ ngoài vào trong, để làm sạch tất cả những ngóc ngách, khe kẽ ở trong khoang động cơ.
Bước 5: Sấy khô khoang máy
Chủ xe sấy khô bằng thiết bị máy sấy chuyên dụng cho xe. Cuối cùng, hãy xịt thêm một lớp chống dính, dưỡng bóng để có thể tăng cao tính thẩm mỹ cho xe ô tô.
Trên đây là lý do vì sao chủ xe nên vệ sinh khoang máy ô tô định kỳ. Đối với từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể mà khách hàng có thể vệ sinh xe theo các mốc thời gian khác nhau.